x
Bạn Muốn Tắt Quảng Cáo
x
Bạn Muốn Tắt Quảng Cáo

VÌ SAO PHIÊN CHỢ MÙA ĐÔNG Ở ANH LẠI YÊN ẮNG LẠ THƯỜNG?

15:20 | 17/01/2020


Cho tới ngày hôm qua, thứ Năm 16/1, các đội bóng ở Premier League mới chỉ hoàn tất 7 hợp đồng “mua đứt bán đoạn”, có tổng trị giá chỉ là 41,5 triệu bảng.

Cho tới ngày hôm qua, thứ Năm 16/1, các đội bóng ở Premier League mới chỉ hoàn tất 7 hợp đồng “mua đứt bán đoạn”, có tổng trị giá chỉ là 41,5 triệu bảng. Đây là sự yên ắng chưa từng thấy ở Anh trong nhiều năm trở lại đây. Vậy đâu là những lý do?

Tiếng nói lịch sử

Đã có quá nhiều bài học từ quá khứ nói rằng mua người trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông là một hành động quá rủi ro. Nếu một CLB muốn mua một cầu thủ giỏi, đang có phong độ tốt của một CLB khác, họ chắc chắn sẽ phải trả rất nhiều tiền, nhiều hơn giá trị thực của cầu thủ kia (ví dụ Barca mất 142 triệu bảng mua Philippe Coutinho hồi 2018).

Còn nếu họ mua được một cầu thủ với giá rẻ, thì hoặc là cầu thủ đó đang xuống phong độ, hoặc là anh ta chưa chứng tỏ được năng lực đỉnh cao. Dù thế nào thì cũng đầy rủi ro. Chưa kể các tân binh mùa Đông thường bị yêu cầu chơi tốt ngay, trong khi tân binh mùa Hè thì có nhiều thời gian hòa nhập hơn.

Wilfried Bony, Morgan Schneiderlin, Cenk Tosun và Ryan Babel là những ví dụ mới nhất chứng minh cho nguy cơ thất bại cao của các thương vụ mùa Đông. Cộng thêm áp lực từ luật Công bằng tài chính và sự lạm phát của thị trường, các đội bóng không hào hứng đánh cược với các thương vụ trong tháng 1 nữa.

Bức tranh hiện tại của Premier League

Thực tế là không có nhiều CLB ở Premier League có nhu cầu mua sắm. Liverpool coi như khóa sổ sau khi có Takumi Minamino. Man City sẽ không mua ai. Leicester hài lòng với những gì họ có. Sheffield United và Wolves cũng vậy. Tottenham muốn bổ sung người, nhưng đã cạn tiền và có thể sẽ chỉ đi mượn. Chelsea và Arsenal thì rụt rè vì sợ phải trả quá nhiều tiền. Trong Top 10 may ra có Man United và Crystal Palace là sẽ mua người trong tháng này.

Nửa dưới cũng vậy. Các đội bóng đều có nhu cầu tăng cường, nhưng sẽ không dám mạnh tay, nhất là với những đội bóng đang có nguy cơ rớt hạng. Vì nếu chi tiêu lớn rồi sau đó xuống hạng, họ có nguy cơ “vỡ trận” vì sự khác biệt quá lớn giữa thu nhập ở Premier League và Championship.

Chính sách dùng các cầu thủ trẻ của HLV Lampard đã khiến các đội chùn tay trong tháng 1
Chính sách dùng các cầu thủ trẻ của HLV Lampard đã khiến các đội chùn tay trong tháng 1

Mượn cho an toàn

Khác với mua đứt, mượn cầu thủ lại là một giải pháp hợp lý trong giai đoạn giữa mùa như hiện tại. Các CLB có cầu thủ cho mượn sẽ giảm được đôi chút gánh nặng về lương, đôi khi lại có thêm tí tiền, trong khi các CLB đi  mượn có thể có một phương án chữa cháy nhanh mà lại ít rủi ro. Trong trường hợp bản hợp đồng cho mượn kia thất bại, các HLV vẫn có thể yên tâm phần nào vì họ có thể tống anh ta đi vào cuối mùa.

Ví dụ là trường hợp của Danny Drinkwater. Tiền vệ người Anh vừa được Aston Villa mượn từ Chelsea (trước đó được cho Burnley mượn). Ngay trong trận ra mắt, anh đã mắc tới… 4 sai lầm khiến đội nhà bị Man City vùi dập. Chọn Drinkwater có thể là một sai lầm của HLV Dean Smith. Cũng có thể không. Nhưng ít ra, ông biết rằng nếu không muốn mua đứt, ông có thể trả lại anh ta khi hết mùa.

Hiệu ứng Chelsea

HLV Frank Lampard nên chịu một phần trách nhiệm trong tình trạng đìu hiu như vừa qua của phiên chợ mùa Đông. Việc Chelsea của ông, vì bị cấm chuyển nhượng, vẫn có thể chơi tốt với một đội hình gồm nhiều cầu thủ trẻ khiến nhiều đội bóng khác phải “giật mình” tự nhìn lại. Tại sao phải đốt tiền cho những thương vụ đầy rủi ro trong khi có thể tìm kiếm giải pháp ngay trong nhà, ở những đội trẻ?

Đó là điều mà chính Chelsea cũng đang làm. Dù án phạt đã được dỡ, họ vẫn không mấy vội vàng trong việc tìm mua cầu thủ mới. Cũng ở London, Tottenham đang đặt niềm tin vào cầu thủ trẻ Japhet Tanganga, trong khi Arsenal hy vọng sự trở lại của Eddie Nketiah sẽ giúp hàng công có thêm giải pháp. Man United cũng không thấy cần phải mua thêm tiền đạo, khi mà Mason Greenwood vẫn phát triển quá ổn.

BÌNH LUẬN:
TIN LIÊN QUAN
x
Bạn Muốn Tắt Quảng Cáo