x
Bạn Muốn Tắt Quảng Cáo
x
Bạn Muốn Tắt Quảng Cáo

ARSENAL LẦN ĐẦU THUA LỖ SAU 2 THẬP KỶ: LỖI Ở SANLLEHI

08:47 | 08/04/2020


Arsene Wenger không chỉ giúp mang về 16 danh hiệu mà còn biến Arsenal trở thành đế chế kiếm tiền hàng đầu. Nhưng kể từ ngày ông ra đi, Arsenal dần sa sút không phanh và bây giờ là hụt két

Arsene Wenger không chỉ giúp mang về 16 danh hiệu mà còn biến Arsenal trở thành đế chế kiếm tiền hàng đầu. Nhưng kể từ ngày ông ra đi, Arsenal dần sa sút không phanh và bây giờ là hụt két. Lần đầu sau 2 thập kỷ, năm nay họ đã rơi vào cảnh thua lỗ. Nhân vật phải chịu trách nhiệm nhiều nhất là Raul Sanllehi, một người cũ của Barca.

 

Tồn tại hay không?

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Arsenal như lúc này là điều chẳng ai dám nghĩ tới. Đầu tháng trước, họ công bố báo cáo tài chính lỗ 27,1 triệu bảng trong năm 2019, lần đầu ghi nhận mức tăng trưởng âm sau 22 năm. 

Nhờ các khoản tiền khác từ tài trợ thương mại, bản quyền truyền hình và bán vé mỗi trận, doanh thu của họ là 445 triệu euro, xếp thứ 11 trong số những CLB kiếm nhiều tiền nhất thế giới năm 2019. Họ có hợp đồng tài trợ áo đấu lớn thứ 3 thế giới, có giá niêm yết vé vào cửa SVĐ cao nhất nước Anh và chưa kể tiền rót về từ chính phủ Rwanda để quảng cáo hàng năm.

Dù vậy, những con số hào nhoáng đó không thể khỏa lấp sự thật là Arsenal đang ngày một kém đi ở cả thành tích thi đấu lẫn kết quả kinh doanh. 3 năm trước, họ là CLB kiếm tiền nhiều thứ 6 thế giới, nhưng lập tức tụt xuống hạng 9 chỉ vài tháng sau khi Wenger ra đi. Cộng thêm kết quả báo cáo lợi nhuận âm trong năm 2019, Arsenal có nguy cơ trở thành nạn nhân tiếp theo của luật Công bằng tài chính của UEFA.

Vì không hiểu rõ về bóng đá nên các thương vụ mua bán Raul Sanllehi thực hiện tại Arsenal đều không thành công
Vì không hiểu rõ về bóng đá nên các thương vụ mua bán Raul Sanllehi thực hiện tại Arsenal đều không thành công

Cổ đông lớn nhất Stan Kroenke bị quy trách nhiệm cho việc kéo lùi thành tích thi đấu của đội trong nhiều năm qua. Nhưng quả thật, đâu mới là lý do thật sự? Không ai muốn kết quả đi xuống vì điều đó đồng nghĩa với túi tiền của họ thâm thụt. Vì thế, nói Kroenke keo kiệt chưa chắc đã là đúng. Ông là cổ đông chính của Arsenal trong nhiều năm trước đó nhưng rõ ràng là mọi chuyện vẫn ổn, cho tới khi Wenger ra đi.

Trong 22 năm làm việc, “Giáo sư” không chỉ chịu trách nhiệm về thành tích thi đấu trên sân cỏ, ông giúp Arsenal trở thành cỗ máy kiếm tiền hiệu quả nhất nhì Premier League thông qua việc mở rộng kinh doanh cũng như mài giũa những viên ngọc thô trở thành cầu thủ đắt giá. Sự ra đi của Wenger, cộng thêm cả GĐĐH Ivan Gazidis đã khiến CLB lập tức đi xuống vì không có nhân sự kế thừa xứng đáng.

Dại dột vì tin “người thừa” của Barca

Raul Sanllehi có một bản lý lịch đẹp hiếm thấy với một nhà quản lý thể thao. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế, marketing và tài chính ở Mỹ, người đàn ông sinh ra và lớn lên tại Catalunya này này đến Nike làm việc và Hè 2003, ông tới Barca. Dựa vào quan hệ với công ty cũ Nike, ông đã đưa Barca thành hiện tượng trong làng tài trợ và tiếp thị thể thao thế giới.

Tháng 9/2008, Sanllehi chính thức được bổ nhiệm làm GĐTT tại Barca. Ông giữ cương vị này trong gần 10 năm trước khi nghỉ việc. Không lâu sau ngày rời Nou Camp, Sanllehi đến Arsenal vào đầu năm 2018 theo lời mời của ông bạn chí cốt Ivan Gazidis. Với lý lịch từng làm việc ở Barca, nhân vật này lập tức được bổ nhiệm làm Trưởng bộ phận Quan hệ bóng đá tại Arsenal.

Chẳng ai ngờ đó là bước đệm giúp Sanllehi thăng tiến thần tốc một lần nữa ở một đội bóng. Vài tháng sau khi Sanllehi đến London, HLV Arsene Wenger tuyên bố nghỉ việc. Wenger đi, Gazidis cũng nhanh chân cuốn gói rời Bắc London để đến Milan. Pháo thủ chẳng còn nhân vật sừng sỏ có số má nào, đưa Sanllehi nghiễm nhiên lên ghế GĐĐH. Truyền thông quê nhà ca tụng Sanllehi rầm rộ, gọi ông là “thần tượng mới ở Arsenal”.

Cá nhân Sanllehi cũng tỏ ra thích ứng rất nhanh với vị trí mới. Trong kỳ chuyển nhượng Hè 2019, ông hồ hởi tuyên bố: “Một mùa Hè với Arsenal buộc tôi làm nhiều việc hơn cả 10 năm trước đây”. Kết quả là CLB đưa về hàng loạt tân binh như Pepe, Saliba, Tierney, David Luiz, Martinelli và mượn được cả Dani Ceballos từ Real. Rốt cục, đây đều là những bản hợp đồng đáng thất vọng, chưa kể Cedric Soares và Pablo Marí đến vào mùa Đông.

Vậy điều gì khiến Sanllehi thất bại thảm hại ở Arsenal dù ông từng thành công cùng Barca? Thứ nhất, Sanllehi kiếm tiền cho Barca chủ yếu nhờ quan hệ cá nhân với giới chóp bu Nike, nơi ông hiểu rất rõ. Thứ hai, Sanllehi chỉ có chuyên môn làm thương mại chứ không phải dân chuyên nghiệp trong lĩnh vực bóng đá đơn thuần. Ông chọn cách mua trả góp nhưng lại khiến Arsenal chịu gánh nặng trong những năm tiếp theo khi đưa về những cầu thủ không xứng với số tiền bỏ ra cùng phần lãi ngân hàng lũy tiến.

HLV Arteta có thể liệu cơm gắp mắm trong vài tháng qua nhưng chắc chắn, chuyện sẽ không còn đơn giản khi ông chủ người Mỹ đã tuyên bố: “Không có ngân sách mua bán trong hai kỳ chuyển nhượng tiếp theo”. Đó là cái giá Arsenal phải trả khi trao quyền sai người, cũng sai cả thời điểm. Và cái tên gây ra tất cả có lẽ là Sanllehi.

BÌNH LUẬN:
TIN LIÊN QUAN
x
Bạn Muốn Tắt Quảng Cáo